menu

Đây là cách những chiếc ô tô bị "đâm đụng, ngập nước" tại Mỹ được hồi sinh ở thế giới thứ ba

12:10 - 10/09/2022

So với tậu xe mới, việc mua những chiếc ô tô "đâm đụng, ngập nước" ở nước ngoài về và sửa chữa sẽ giúp người dùng tại thế giới thứ ba tiết kiệm được nhiều tiền hơn.

Điều gì sẽ xảy ra với những chiếc ô tô bị hỏng nặng đến mức không thể sửa chữa? Phần lớn các chủ xe tại Mỹ đều chưa bao giờ thực sự tìm hiểu điều này. Thông thường, công ty bảo hiểm sẽ đến để mang chiếc ô tô bị hỏng đi và viết hóa đơn trong khi chủ xe chủ yếu đều tập trung vào việc tìm kiếm phương tiện đi lại thay thế.

Tất nhiên, vẫn có một số người tò mò về số phận của những chiếc ô tô bị "đâm đụng, ngập nước" tại Mỹ sau khi bị công ty bảo hiểm mang chúng đi. Để trả lời cho câu hỏi này, phóng viên Scott Gurian của kênh podcast Planet Money do tổ chức truyền thông phi lợi nhuận National Public Radio (NPR) sản xuất đã quyết định tìm hiểu sâu hơn về thị trường toàn cầu của những chiếc xe bị hỏng nặng đến mức không thể sửa chữa tại Mỹ. Những chiếc xe như thế này sẽ bị cấp giấy chủ quyền Salvage Title và không được phép lưu thông trên đường phố Mỹ nữa.

Những chiếc xe bị hư hỏng nặng và công ty bảo hiểm không sửa chữa sẽ bị cấp giấy chủ quyền Salvage Title

Những chiếc xe bị hư hỏng nặng và công ty bảo hiểm không sửa chữa sẽ bị cấp giấy chủ quyền Salvage Title

Vào năm 2016, anh Gurian đã tham gia hành trình Mongol Rally chạy xuyên 18 nước, từ Anh đến Mông Cổ, trên chiếc ô tô Nissan Micra của mình. Trong hành trình kéo dài 17.702 km và 52 ngày này, chiếc Nissan Micra của anh đã bị hỏng nhiều lần. Trong một lần xe hỏng, Gurian đã làm quen với thợ sửa ô tô người Turkmenistan có tên Oraz. Sau khi trở về nhà ở bang New Jersey, Mỹ, anh Gurian vẫn còn giữ liên lạc với Oraz.

Cách đây không lâu, Oraz đã gửi tin nhắn cho Gurian để khoe về chiếc ô tô mới xuất hiện trong cửa hàng sửa xe của mình, đó là Lexus RX350 đời 2021. Ngoài việc bị hư hỏng nhẹ ở ngoại thất, một vài chỗ bị gỉ sét và hệ thống điện đôi khi chập chờn, chiếc xe sang này ở trong tình trạng khá tốt, còn gần như mới. Tuy nhiên, điều khiến anh Gurian chú ý chính là nhãn kiểm tra của bang New Jersey trên kính lái.

Lexus RX đời 2021

Lexus RX đời 2021 (ảnh minh họa)

Trao đổi với Gurian qua điện thoại, Oraz giải thích rằng những chiếc ô tô có nguồn gốc từ Mỹ vẫn thường xuyên xuất hiện trong cửa hàng sửa xe của mình. "Có thể anh không tin nhưng cứ 3 chiếc xe được mang tới chỗ tôi thì có 2 chiếc đến từ Mỹ. Tất cả những chiếc xe này đều bị hỏng", Oraz cho biết.

Oraz sau đó sẽ sửa những chiếc ô tô bị hỏng này và giúp chúng "hồi sinh" để khách hàng có thể tiếp tục sử dụng. Mỗi ngày, người thợ ngoài 30 tuổi và hiện đang sống tại thành phố Karakum Desert của Turkmenistan này đều làm việc 10 tiếng đồng hồ để sửa những chiếc xe hỏng đến từ Mỹ.

Theo Oraz, chiếc Lexus RX350 đời 2021 này không giống bất kỳ chiếc ô tô nào từng ghé thăm cửa hàng sửa xe của anh. Do đó, anh tò mò muốn biết câu chuyện đằng sau chiếc SUV hạng sang này. Vì sao chiếc xe lại xuất hiện ở đây, xe thuộc về ai, tại sao họ lại vứt bỏ chiếc ô tô còn gần như mới này là những câu hỏi là Oraz muốn tìm lời giải đáp.

"Tôi tự hỏi tại sao loại xe này lại bị người ta vứt bỏ rồi chuyển đến những nước như Turkmenistan. Tôi nghĩ người dân tại New Jersey chắc phải giàu lắm và họ chỉ đơn giản là vứt bỏ xe đi rồi mua chiếc mới mỗi năm", Oraz nói.

Chiếc Lexus RX350 này có số công-tơ-mét chỉ khoảng 11.265 km và thuộc sở hữu của một doanh nhân có tên Magtim. Cần phải nói thêm rằng, Turkmenistan là một quốc gia từng thuộc Liên Xô cũ, nằm gần Afghanistan và Iran. Turkmenistan không có ngành công nghiệp ô tô nội địa, phần lớn người dân cũng chẳng giàu có gì. Tuy nhiên, người dân vẫn cần ô tô để đi lại và lựa chọn của họ chính là mua những chiếc ô tô "đâm đụng, ngập nước" được đưa vào Turkmenistan từ các quốc gia phát triển như Mỹ. Ngay cả những người có thu nhập cao hơn như Magtim cũng mua xe kiểu này.

Chiếc RX350 màu trắng là xe Lexus đầu tiên của Magtim. Ngoài ra, doanh nhân này còn có nhiều chiếc xe khác như Toyota Camry, Avalon và Highlander. Bên cạnh đó là một chiếc xe bán tải cỡ lớn mua từ Dubai.

Tất cả những chiếc ô tô của Magtim đều được nhập khẩu qua cảng Dubai. Magtim thường dạo trên những trang đấu giá xe cũ quốc tế để tìm mua ô tô. Với chiếc Lexus RX350 này, Magtim đã phải mất hàng tuần mới tìm được. Tại Turkmenistan, những chiếc xe Lexus vốn được coi là biểu tượng của "gia đình có điều kiện".

"Magtim đặc biệt muốn mua một chiếc Lexus màu trắng", Oraz tiết lộ. Theo anh Gurian, màu trắng là tiêu chí quan trọng. Magtim không muốn mua xe màu trắng vì kén chọn. Thay vào đó, doanh nhân này cần chiếc xe màu trắng vì đây là một trong những quy định về sở hữu ô tô tại Turkmenistan. Lãnh đạo đất nước này đã đưa ra khá nhiều quy định về ngoại hình của những chiếc ô tô mà người dân được phép mua. Ví dụ, người dân không được mua xe thể thao. Xe nhập khẩu thì không được quá 5 năm tuổi. Ngoài ra, ô tô tại Turkmenistan phải được sơn màu trắng, cùng lắm là bạc.

Để đáp ứng mọi quy định của chính quyền, Magtim phải tìm một chiếc xe không bị hỏng quá nhiều ở ngoại thất và điều này không dễ chút nào. Oraz cho biết phần lớn những chiếc ô tô được đăng trên các trang đấu giá toàn cầu đều là "xe nát".

Một ngày vào mùa thu năm ngoái, sau khi tìm kiếm được vài tuần, Magtim cuối cùng đã tìm ra chiếc Lexus RX350 màu trắng trông còn khá mới này. Xe có một số vấn đề về hệ thống điện và đôi chỗ bị gỉ nhưng những điều này chẳng thể làm khó thợ sửa ô tô Turkmenistan như Oraz.

Con số khởi điểm của chiếc SUV hạng sang này trong phiên đấu giá là 12.800 USD và có khá nhiều người tham gia. Magtim đã đưa ra mức giá cuối cùng là 20.600 USD và thắng. Sau đó, Magtim trả thêm vài nghìn đô nữa để đưa chiếc xe lên container và vận chuyển từ Mỹ đến cảng Dubai. Cuối cùng, chiếc xe được vận chuyển bằng đường bộ đến Turkmenistan và cần sửa lại. Số tiền tổng cộng mà Magtim phải chi cho chiếc Lexus RX350 này là 30.000 USD. Nghe có vẻ khá nhiều nhưng con số này thực chất chỉ bằng nửa số tiền mà Magtim phải bỏ ra nếu mua Lexus RX350 "đập hộp" từ đại lý.

Magtim cho biết đã đấu giá chiếc xe này trên trang có tên Copart. Đây là trang chuyên bán ô tô cũ, bị hư hỏng vì tai nạn hoặc ngập nước nổi tiếng tại Mỹ. Để tìm hiểu thêm về lai lịch của chiếc Lexus này, anh Gurian đã liên hệ với Copart chi nhánh Pennsylvania - nơi Magtim mua xe. Tuy nhiên, nhân viên của Copart đã từ chối trả lời những câu hỏi của Gurian. Do đó, Gurian liên lạc với Steve Lang - người có hơn 20 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành đấu giá ô tô.

Như đã nhắc ở trên, khi bị dán nhãn hư hỏng nặng, xe sẽ không được phép lưu thông trên đường phố Mỹ nữa. Đây là những chiếc ô tô mà theo tính toán của công ty bảo hiểm thì chi phí sửa chữa bằng 75 - 80% giá trị của xe. Do đó, công ty bảo hiểm sẽ không sửa chữa mà trả tiền mua xe mới cho khách hàng. Sau khi mang những chiếc xe này đi, công ty bảo hiểm sẽ tính xem nên làm gì với chúng. Đó là lý do vì sao những chiếc xe này xuất hiện trên các phiên đấu giá ô tô hỏng. Steve cho biết có khoảng 2 triệu chiếc xe như thế được đấu giá tại Mỹ mỗi năm.

"Người mua những chiếc xe này có thể là các cửa hàng sửa chữa thân vỏ chuyên nghiệp, tái chế ô tô hoặc bãi phế liệu. Xe cũng có thể được xuất khẩu ra nước ngoài", anh Steve nói thêm. "Phần lớn mọi người đều không nhận ra rằng tại thị trường nước ngoài, ô tô của họ có thể giá trị hơn nhiều so với ở Mỹ".

Có 2 lý do khiến ô tô bị "đâm đụng, ngập nước" tại Mỹ thường được người mua ở nước ngoài như Turkmenistan đấu giá cao hơn. Thứ nhất, những chiếc xe bị cấp giấy chủ quyền Salvage Title ở Mỹ chẳng khác nào có một vết nhơ không bao giờ gột sạch được. Điều này khiến giá bán lại của xe tại Mỹ rất thấp. Tuy nhiên, một khi đã rời khỏi địa phận nước Mỹ, lịch sử "đâm đụng, ngập nước" và những quy định về xe bị cấp giấy chủ quyền Salvage Title thường không còn ý nghĩa nữa. Điều này phụ thuộc vào nơi mà chiếc xe sẽ đến.

Lý do thứ hai là chi phí sửa chữa những chiếc xe bị hỏng ở nước ngoài thường rẻ hơn rất nhiều. "Xe có thể được chuyển đến Iran, Somalia hoặc Libya. Chúng có thể được chuyển đến bất kỳ đâu", anh Steve lên tiếng.  "Chi phí nhân công ở những nước đó chỉ bằng một phần nhỏ so với Mỹ. Tại Mỹ, bạn bước vào đại lý Toyota và có thể bị tính phí nhân công 140 USD/giờ. Ở những nước như Turkmenistan, chi phí nhân công chỉ khoảng 2 - 3 USD/ngày".

Được biết, chiếc Lexus RX 350 mà Magtim mua vốn là xe bị ngập nước trong cơn bão Ida. Cơn bão này đã càn quét qua nhiều bang của Mỹ vào hồi đầu tháng 9 năm ngoái. Đó là lý do vì sao xe trông vẫn còn rất mới nhưng lại bị cấp giấy chủ quyền Salvage Title. Không riêng gì chiếc Lexus này mà còn có hơn 200.000 chiếc ô tô khác đã bị hư hỏng sau cơn bão. Trong số đó, có thể không ít chiếc xe cũng đã được chuyển từ Mỹ sang các nước thuộc thế giới thứ ba như chiếc Lexus RX 350 của vị doanh nhân tại Turkmenistan.

Đánh giá: